Kỳ thi FE dành cho kỹ sư CNTT có cơ hội làm việc tại Nhật Bản

Trong những năm gần đây, chứng chỉ FE dần trở thành một trong những chứng chỉ được ưa chuộng trong giới CNTT. Khác với những chứng chỉ đòi hỏi chuyên môn sâu vào một ngôn ngữ lập trình hay môi trường hệ thống cụ thể. FE tiếp cận CNTT một cách tổng thể, cho dù đối tượng sản phẩm là gì, viết bằng ngôn ngữ nào, môi trường nào, quy mô như thế nào thì cũng sẽ có một cách tiếp cận logic để từ đó giải quyết được vấn đề. Đấy cũng là cách làm của người Nhật và hầu hết các công ty CNTT ở Nhật đều yêu cầu nhân viên phải đạt được chuẩn FE nhằm đồng bộ hóa về trình độ của nhân lực để tạo đà phát triển cho sản xuất.

FE sẽ gồm 2 phần thi: sáng 3 tiếng, chiều 3 tiếng. Phần thi sáng gồm 80 câu hỏi trắc nghiệm đa dạng ở các chủ đề:

Kiến trúc máy tính, logic, cấu trúc dữ liệu, cơ sở dữ liệu quan hệ, bảo mật an toàn thông tin, lập trình hướng đối tượng, kiểm thử, hệ thống thông tin doanh nghiệp…..

Điểm tối đa là 1000. Điểm qua tối thiểu là 600. Phần thi chiều gồm một số bài , mỗi bài có nhiều câu hỏi cần người thi phải phân tích, suy luận, tính toán và phán đoán.

Lập trình viên có chứng chỉ FE, AP sẽ được ưu tiên xét visa làm việc trong lĩnh vực CNTT tại Nhật Bản. Thời gian học – luyện thi FE khoảng 4 tháng, AP khoảng 6-8 tháng giúp cho người thi củng cố toàn diện kiến thức – hiểu biết CNTT, chuyển đổi căn bản từ “thợ lập trình” sang “kỹ sư phần mềm”.

Chứng chỉ IP, FE, AP được bộ Khoa học – Công Nghệ Việt nam đại diện cho ITPEC-IPA cấp. Ở Nhật, chứng chỉ FE và AP tương đương bằng đại học CNTT.

Tỷ lệ đỗ của kỳ thi FE

Kỳ thi FE ở Việt có bộ đề bằng tiếng Anh và và phần dịch sang tiếng Việt. Thấp hơn FE có kỳ thi IP, Information Passport. Cao hơn FE có AP dành cho kỹ sư phần mềm chuyên nghiệp.

Tỷ lệ đỗ trung bình kỳ thi FE là 25%. Việt nam là nước có tỷ lệ đỗ FE cao nhất trong 6 nước khoảng 30-35%.

Tuy nhiên những năm gần đây số lượng thí sinh VN tham gia thi giảm so với Baladesh và Myanmar. Kỳ thi FE có độ khó cao nhưng tỉ lệ đỗ như vậy là không hề tồi.

Đặc biệt là có nhiều người dự thi là những người đang hướng tới các công việc về IT hay những người đã làm việc thực tế trong lĩnh vực này. Dù là tỉ lệ đỗ đã tăng lên, nhưng nếu không học chắc mà đã đi thi thì sẽ rất khó có thể vượt qua.

Lợi ích của chứng chỉ FE

  • Thể hiện khả năng và năng lực CNTT theo các chuẩn kỹ năng đã được công nhận và có uy tín cao
  • Lợi thế khi ứng tuyển vào các công ty CNTT nước ngoài nói chung và công ty CNTT của Nhật nói riêng
  • Nếu muốn sang Nhật làm việc lâu dài trong lĩnh vực CNTT, chứng chỉ FE có thể thay thế bằng đại học khi xin Visa dài hạn

visa JAPAN

 

  • Được cộng điểm nếu muốn vĩnh trú tại Nhật
  • Là tiền đề để tiếp tục chinh phục những chứng chỉ cao hơn (AP, PM…) – những chứng chỉ cần thiết khi đảm nhiệm các vị trí quan trọng trong một công ty.

Đối tượng tham gia thi

  • Sinh viên CNTT muốn hoàn thiện và khẳng định năng lực (Chứng chỉ FE có thể được dùng để thay thế cho bằng đại học CNTT. Chính xác hơn, nhiều sinh viên tốt nghiệp CNTT được khuyến khích thi chứng chỉ FE để đánh giá lại toàn diện kiến thức của mình)
  • Bất kỳ ai muốn làm CNTT một cách chuyên nghiệp cần được sát hạch kiểm tra kiến thức
  • Lập trình viên không có bằng CNTT muốn xin visa làm việc tại Nhật Bản hoặc các nhóm phần mềm muốn gia công cho Nhật cần có những thành viên được xác nhận đạt tiêu chuẩn kỹ sư CNTT chuẩn Nhật Bản

Cách ôn thi và chuẩn bị thi

Lượng kiến thức của FE lớn, nếu dành thời gian để đọc tất cả những tài liệu về những vấn đề liên quan để hiểu một cách chuyên sâu thì có lẽ một, hai năm thời gian để chuẩn bị cũng không đủ.

Tuy nhiên, thực tế để đạt được FE không yêu cầu điều này. Câu hỏi của một đề thi FE bao giờ cũng được đặt ra một cách logic, cái bạn cần làm là nắm được mối liên hệ giữa câu hỏi và những dữ kiện được đưa ra.

Chuẩn FE không đánh giá xem một Kỹ sư CNTT có biết hết mọi kiến thức CNTT cơ bản hay không mà đối tượng là những người nắm được những thông tin cơ bản nhất, có thể đối mặt với đa dạng vấn đề và tìm hướng giải quyết những vấn đề đó một cách tuần tự. Thời gian chuẩn bị thi có lẽ ba tháng là đủ.

Tuy rằng đề FE mang tính quốc tế, luôn được dịch song ngữ: tiếng Anh và tiếng bản địa, các thuật ngữ CNTT vẫn luôn lấy cơ sở là tiếng Anh nên các bạn nào giỏi Anh ngữ sẽ có nhiều lợi thế. Những câu hỏi nặng về lý thuyết nên đọc nội dung tiếng Anh để nhìn ra được các từ khóa còn phần tiếng Việt chỉ nên để tham khảo.

Đăng ký thi

Các bạn cần vào trang chủ của kỳ thi này để xem thông báo chính thức. Hàng năm sẽ có 2 đợt thi tháng 4 và tháng 10. Mỗi đợt thi sẽ thi đồng loạt tại Hà nội – Đà Nẵng và Hồ Chí Minh. Độ khó và áp lực cũng tương đối. Nếu thí sinh chỉ đạt qua một phần sẽ được bảo lưu kết quả để hoàn thành trong kỳ thi tiếp theo.

Mức lệ phí thi hiện nay là 1.5 triệu VND, rẻ hơn khá nhiều lệ phí thi chứng chỉ Oracle khoảng 150-200 USD.

Những năm trước, mọi người thường biết đến những chứng chỉ nổi danh hơn như là SCJP (Sun Certified Java Professional, nay được thay bởi OCP, Oracle Certified Professional), hay MCSE (Microsoft Certified Systems Engineer). Đây là những chứng chỉ thể hiện được tính chuyên môn cao, đi sâu vào một ngôn ngữ lập trình hay môi trường hệ thống cụ thể.

FE thì có cái nhìn theo chiều ngang, tiếp cận CNTT một cách tổng thể. Cho dù đối tượng sản phẩm là gì, viết bằng ngôn ngữ nào, môi trường nào, quy mô như thế nào thì cũng sẽ có một cách tiếp cận logic để từ đó giải quyết được vấn đề.

Đấy cũng là cách làm của người Nhật và hầu hết các công ty CNTT ở Nhật đều yêu cầu nhân viên phải đạt được chuẩn FE. Đấy là mục tiêu của họ, nhằm đồng bộ hóa về trình độ của nhân lực để tạo đà phát triển cho sản xuất. Việt Nam cũng nên có mục tiêu như vậy.

Thực tế thì, ở các công ty của Nhật, tỉ lệ người mới đi làm mà đạt được chuẩn FE không hẳn là cao. Có thể một phần lý do là công việc của họ rất bận rộn nên không có thời gian ôn tập. Một phần lý do khác có thể là có những người làm về CNTT ở Nhật nhưng xuất phát điểm của họ không phải là công nghệ.

Việc một người Việt Nam đã đạt chuẩn FE khi đi ứng tuyển là một thế mạnh lớn, cho dù đối tượng tuyển dụng là công ty Nhật Bản hay công ty Việt Nam có khách hàng là Nhật.

Bản thân những người làm việc trong ngành CNTT mà công việc không có mối liên hệ với Nhật Bản cũng có thể tìm ra được lợi ích khi theo đuổi chuẩn FE. Khi mà bạn cảm thấy tầm nhìn của mình về ngành CNTT còn hạn hẹp hay kiến thức về CNTT còn nhiều lỗ hổng thì việc ôn luyện theo chuẩn FE sẽ cho bạn một cái nhìn bao quát hơn và cảm thấy tự tin hơn trong công việc của mình.

Nâng cao trình độ của bản thân cũng là góp phần vào sự phát triển của ngành CNTT nước nhà. Phong trào học và đạt chuẩn FE đang phát triển rầm rộ ở các nước đang phát triển trong khu vực như Thái Lan, Myanmar, Bangladesh, Mông Cổ, Malaysia, Philippin. Đó là một sự cạnh tranh không hề nhỏ. Chúng ta có thế mạnh về vị trí địa lý thuận lợi, tình hình tôn giáo, văn hóa, chính trị ổn định nên dễ tiếp cận hơn các nước bạn.

Tuy vậy, nếu không liên tục cố gắng phát triển bản thân, nâng cao tiêu chuẩn chất lượng của tập thể thì có thể ảnh hưởng lớn đến tương lai sau này của ngành CNTT Việt Nam. Việc thi FE mới chỉ là một bước nhỏ, nhưng bước đi đó nếu thực hiện được sẽ là điểm tựa vững chắc để mỗi người có thể tạo nên con đường tương lai của chính mình.

Nguồn: tổng hợp

3 thoughts on “Kỳ thi FE dành cho kỹ sư CNTT có cơ hội làm việc tại Nhật Bản

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *